Có 500 Năm Như Thế: Bản sắc Quảng Nam và Đàng Trong từ góc nhìn phân kỳ lịch sử

Bìa trước
StreetLib - 290 trang

Đây là sách mới bàn về chủ đề quan hệ Việt - Chăm. Có thể đầu tiên, người Việt từ phía Bắc nhân danh tiến đến trừng phạt người Chăm nhưng cuối cùng định cư luôn ở vùng Chăm. Người Chăm một số nhiều bỏ đi, số ít còn lại, người Việt di dân vào sống xen kẽ với làng Chăm kiểu hình thể da beo. Từ đó xảy ra sự giao lưu, tiếp biến, ảnh hưởng qua lại giữa hai nền văn hóa Việt - Chăm về ngôn ngữ, hôn nhân, trang phục và lối sống.

Cuốn sách là một công trình nghiên cứu công phu về bản sắc văn hóa Quảng Nam trong sự gắn bó chặt chẽ với văn hóa Chăm. Nội dung sách bàn về những nội dung chính: sự thật về hai chữ "Nam tiến", văn hóa Quảng Nam biến đổi theo tiến trình lịch sử, ngôn ngữ Quảng Nam như là ngôn ngữ của người Chăm nói tiếng Việt. Toàn bộ nội dung cuốn sách là nỗ lực khai phá những tri thức mà theo tác giả, đã bị chìm khuất, hay lãng quên trong lịch sử, mà nay cần tạo dựng để giúp chúng ta có một cái nhìn toàn diện, sâu sắc về văn hóa – vốn là một vấn đề không bao giờ giản đơn.

Qua 260 trang viết cho thấy tác giả Hồ Trung Tú có nhiều suy tư trăn trở để hướng tìm về cuội nguồn, bản sắc của mình cũng như cư dân ở vùng đất Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên.

***

Lịch sử Nam tiến của người Việt Nam trải dài suốt từ thời nhà Lý đến các vua Nguyễn; các năm 1306, 1471 thường được nhắc tới như chỉ là những cột mốc đánh dấu cái dòng chảy rất đều, không ngừng nghỉ của các đoàn người Nam tiến. Thực ra nếu nhìn kỹ vào từng giai đoạn ta sẽ thấy cái dòng chảy ấy không đều như đã nghĩ. Nó có những lúc dữ dội để chiếm hữu, lúc lắng lại để định hình, lúc thì nếp ăn nếp ở ngôn ngữ phong tục thiên về Chàm, lúc thì chuyển hẳn sang Việt. Ở đây chúng tôi xin đưa ra một cách phân kỳ để thử xác định ý nghĩa và dấu ấn của mỗi giai đoạn mà nó để lại trên mỗi tiến trình lịch sử, qua đó có thể ít nhiều hiểu được, và thử dựng lại những gì đã xảy ra trong suốt 500 năm (1306 đám cưới Huyền Trân đến 1802 khi Gia Long lên ngôi) dài dằng dặc ấy.

Ví dụ như giai đoạn lịch sử này, quan hệ Việt - Chàm có điều gì đó rất lạ, nó vừa thân thiết như người nhà lại vừa dữ dội như hai kẻ thù không đội trời chung: Năm 1370, sau cuộc loạn Dương Nhật Lễ, mẹ Nhật Lễ trốn sang Chiêm Thành, bày tỏ tình hình suy yếu của nước Đại Việt và xui Chế Bồng Nga sang đánh Việt. Thế nhưng chỉ sau đó vài năm, 1390, khi Chế Bồng Nga chết ngay trên chiến thuyền khi tiến đánh Đại Việt, con Chế Bồng Nga là Chế Ma Nô Đà Nan bị La Khải cướp ngôi đã sang Việt cầu cứu. Phong Chế Ma Nô Đà Nan làm Hiệu chính hầu. Đến 1407, khi nhà Minh bắt được Hồ Quý Ly, Chiêm Thành cất quân thu lại đất cũ, dân di cư (Việt vào dưới thời Hồ) sợ chạy tan cả(1), các tướng lĩnh Đại Việt như Hối Khanh, Nguyễn Rỗ đều bỏ chạy cả, chỉ một mình Ma Nô Đà Nan chống nhau với Chiêm Thành, thế cô sức núng, bị người Chiêm giết chết! Trớ trêu thay, đây lại là con của Chế Bồng Nga! Làm sao để hiểu hiện tượng này?

Quan hệ Việt - Chàm giai đoạn này quả thật có điều gì đó rất lạ, không giống như ta thường hình dung rạch ròi địch ta lâu nay! Đó là tầng lớp chính trị, tầng lớp mà ý thức dân tộc, tự hào dân tộc của họ thường mạnh mẽ, thế nhưng ở đây hình như khái niệm dân tộc không còn rạch ròi như ta vẫn thường hình dung. Phải chăng ở mức độ nào đó các khái niệm Chàm - Việt khá là gần gũi chứ không phải chỉ có ta địch? Vậy ở tầng lớp bình dân, nhân dân lao động không quan tâm mấy đến chính trị thì sao? Hẳn các tộc người, các làng Việt - Chàm ở cạnh nhau cũng không phải là điều gì không thể xảy ra.

Vết tích văn hóa Chămpa trong đời sống người Quảng Nam thì nhiều lắm, vật thể thì ở đâu cũng thấy những đền tháp hoặc móng gạch Chàm, ở đâu cũng thấy những Lùm Bà Giàng, miếu Hời, lăng Pô Pô phu nhân, Thiên Y A Na… Phi vật thể thì trước hết phải kể đến những làn điệu dân ca, hát ru, và sau đó là những lễ hội phong tục như thờ cúng cá voi, hát bả trạo, các món ăn, khẩu vị, tính cách, phong tục tập quán. Và trong đó dấu ấn hẳn không thể bỏ qua là giọng nói.


 

Các trang được chọn

Nội dung

DẪN NHẬP
A PHẦN XÂY DỰNG CÔNG CỤ
B PHẦN TỔNG LUẬN
PHỤ LỤC 1
PHỤ LỤC 2
PHỤ LỤC 3
PHỤ LỤC 4
PHỤ LỤC 5
Tư liệu tham khảo

Ấn bản in khác - Xem tất cả

Thuật ngữ và cụm từ thông dụng

Thông tin thư mục